Cựu sinh viên Nguyễn Khoa Bảo: Trưởng thành và phát triển qua năm tháng

Vượt qua hàng chục ứng cử viên khác, cựu sinh viên Khoa Điện tử Viễn thông K44Đ Nguyễn Khoa Bảo là Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần đầu tư thương mại và phát triển công nghệ (FSI) đã đạt Giải thưởng Lãnh đạo Công nghệ thông tin (CNTT) tiêu biểu Đông Nam Á 2016.

       Khởi nghiệp với 15 triệu đồng

Từ một công ty khởi nghiệp với vỏn vẹn 4 nhân viên, trong 9 năm hình thành và phát triển anh Nguyễn Khoa Bảo đã đưa FSI trở thành một công ty dẫn đầu thị trường Việt Nam về các dòng sản phẩm số hoá với hơn 400 nhân viên. Để có được thành công như ngày hôm nay khi nhắc đến những khoảng thời gian trước đây anh Nguyễn Khoa Bảo luôn nhớ đến và thấy tự hào. “Tuy thời kỳ đầu khởi nghiệp là khoảng thời gian vất vả những đó cũng là quãng thời gian để tôi không ngừng học hỏi và đổi mới”- anh Nguyễn Khoa Bảo cho biết. Nói như vậy là bởi vì khi ai nghe đến câu chuyện lập nghiệp và khởi nghiệp của anh Nguyễn Khoa Bảo đều sẽ không tin về ý chí, khát vọng của một doanh nhân trẻ thế hệ 8X luôn khát khao được đóng góp cho sự phát triển của đất nước.

Anh Nguyễn Khoa Bảo (bên trái ảnh) nhận Giải thưởng Lãnh đạo Công nghệ thông tin tiêu biểu Đông Nam Á 2016

Năm 2003, anh Nguyễn Khoa Bảo tốt nghiệp cử nhân Khoa Điện tử viễn thông, Trường Đại học Công nghệ. Giống như bao sinh viên vừa ra trường khác, anh Bảo đã đi làm ở một số đơn vị về công nghệ. Nhưng sau thời gian tích lũy kinh nghiệm, anh Bảo cùng với anh Nguyễn Hùng Sơn – một cựu sinh viên cùng lớp đã quyết định thành lập công ty riêng vào tháng 11/2007, lấy tên gọi là Công ty cổ phần đầu tư thương mại và phát triển công nghệ (FSI). Thời kỳ đầu không có nhiều tiền, anh Bảo và bạn đã phải vay mượn từ nhiều nơi được 15 triệu để mở công ty và thành viên ban đầu có 4 người gồm  1 giám đốc, 2 kỹ thuật và 1 kế toán. Anh Nguyễn Khoa Bảo chia sẻ, khi thành lập chúng tôi chưa có tầm nhìn, định hướng rõ ràng cho hướng đi và sự phát triển của công ty. Lúc đó chúng tôi chỉ nghĩ đơn giản cứ bắt đầu từng bước một, để vừa làm vừa học và vừa nghĩ.

Và đến năm 2008, mới là thời kỳ công ty có bước tiến mới. Lúc bấy giờ FSI đã ký kết hợp đồng là nhà phân phối độc quyền sản phẩm máy quét (sản phẩm đầu vào của số hóa) ở khu vực phía Bắc với một đối tác đến từ Mỹ. Anh Nguyễn Khoa Bảo khẳng định, năm 2008 mới là bước ngoặt chọn con đường số hóa của FSI vì lúc đó chúng tôi mới có sản phẩm khác biệt là lĩnh vực số hóa tài liệu, lĩnh vực chắc chắn thời điểm đó chưa có công ty nào ở Việt Nam hoạt động hoặc đầu tư vào công tác nghiên cứu và phát triển về phần nhận dạng OCR (Optical Character Recognition). Đó là những sản phẩm công nghệ khác biệt so với thị trường và anh Bảo nhận ra rằng đây là con đường mà chắc chắn trong tương lai Việt Nam phải làm.

       Xác định mục tiêu về lĩnh vực số hóa

Thế nhưng bởi bối cảnh xã hội Việt Nam thời điểm 2008, theo như anh Bảo chia sẻ “vẫn còn rất lạ lẫm với khái niệm số hoá”. Và phải mãi đến đầu năm 2014, một số đơn vị mới bắt đầu sử dụng các dịch vụ số hoá tài liệu theo chủ trương của Chính phủ. Và cũng lúc này, FSI mới bắt đầu thu được những lợi nhuận đầu tiên từ các sản phẩm số hoá của mình. Điều đó có nghĩa là trong gần 6 năm, FSI đã không thu được chút lợi nhuận nào từ sản phẩm chiến lược của Công ty. Anh Bảo cho biết, FSI phải duy trì hoạt động bằng lợi nhuận thu được từ hoạt động kinh doanh phân phối các dòng máy văn phòng. Thế nhưng bằng bản lĩnh và niềm tin kiên định, đặc biệt là tầm nhìn về con đường đã chọn, anh Bảo đã tập hợp được sức mạnh tập thể để tiếp tục thực hiện ước mơ, hoài bão xây dựng nền tảng số hoá ở Việt Nam.

Đến nay, Công ty FSI đã có sự nhìn nhận nhất định về hướng đi và sự phát triển thể hiện ở tầm nhìn, sứ mệnh công ty từ nay đến 2020 tiếp tục phát triển thị trường số hóa tài liệu hướng tới đơn vị có thương hiệu trên thị trường quốc tế lĩnh vực cung cấp dịch vụ nhập liệu. Vì vậy, hiện nay công ty đã tự phát triển các phần mềm quản trị tài liệu phục vụ công tác quản trị, quản lý về mặt lưu trữ hồ sơ giấy tờ của các đơn vị sự nghiệp và doanh nghiệp. Việc ứng dụng quản lý và quản trị hồ sơ giúp công tác quản trị điều hành tác nghiệp nhanh chóng và hiệu quả. Ứng dụng các phần mềm quản trị, ứng dụng số hóa lưu trữ tại các đơn vị giúp đơn vị lưu trữ, bảo quản hồ sơ tài liệu tốt hơn, tra cứu tìm kiếm phục vụ công tác điều hành ra quyết định nhanh chóng hơn. Từ đó, tiết kiệm không gian, kinh phí hoạt động cho doanh nghiệp và đơn vị sự nghiệp.

Anh Nguyễn Khoa Bảo tham dự talkshow tại Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập Khoa ĐTVT

Phần mềm của FSI có sự khác biệt lớn so với các nhà cung cấp trên thị trường hiện nay là sự tích hợp sẵn phần mềm OCR -nhận dạng văn bản tiếng Việt và các phần liên quan xử lý ngôn ngữ tự nhiên. Công ty còn cung cấp các tool, module bóc tách thông tin tự động, khác biệt lớn nhất hiện nay với những nhà cung cấp khác. Đây là công nghệ ONE (nhận dạng và bóc tách thông tin tự động) là một trong những giải pháp số hoá nổi bật, độc quyền của FSI. Với công nghệ này, khi một công văn được gửi đến, ONE sẽ nhận dạng, phân loại tài liệu theo ngày gửi đến, loại công văn và một bản text lưu trên máy.

Trải qua nhiều năm hoạt động, phấn đấu cùng với những đồng nghiệp của mình, anh Bảo đã lãnh đạo FSI đạt được nhiều thành công, tiêu biểu như:

  • Top 50 doanh nghiệp công nghệ thông tin hàng đầu tại Việt Nam 2016 do hiệp hội phần mềm và dịch vụ CNTT Việt Nam trao tặng
  • Top 10 Doanh nhân trẻ khởi nghiệp xuất sắc toàn quốc 2015
  • Doanh nghiệp tiêu biểu Hà Nội Vàng 2015 do hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ trao tặng
  • Đạt chứng nhận an ninh thông tin ISO/IEC 27001: 2013 và chứng nhận quản lý chất lượng  ISO 9001: 2015 được chứng nhận bởi DAS – Vương quốc Anh
  • Phần mềm quản trị tài liệu DocPro – Đạt danh hiệu Sao Khuê 2016
  • Nhà phân phối chính thức của các hãng scan Plustek, Rowe, SMA, LMI, Kodak, Fujitsu, Canon, HP,…
  • Đối tác của các hãng công nghệ lớn trên toàn cầu như: IBM, Dell. Cisco, Oracle, Microsoft, Symantec, Juniper, HP…

Với tư cách là cựu sinh viên của Trường, anh Nguyễn Khoa Bảo luôn hi vọng bản thân sẽ có thể góp công sức vào sự phát triển của Khoa ĐTVT nói riêng và Trường ĐHCN nói chung. Vì vậy, trong thời gian tới, anh Bảo mong muốn được hợp tác với Khoa để FSI sẽ là nơi sinh viên có thể tham gia thực tập và tích lũy kinh nghiệm thông qua công việc thực tế. Đồng thời công ty sẽ là nơi sinh viên nghĩ đến sau khi tốt nghiệp.

CIO AWARDS được tổ chức thường niên từ năm 2005 theo sáng kiến của Tập đoàn Dữ liệu Quốc tế (IDG) tại Việt Nam, với sự phối hợp chặt chẽ của Ban Chỉ đạo Quốc Gia về CNTT, Bộ Thông tin & Truyền thông, Bộ Nội vụ và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). Giải thưởng hơn 10 năm tuổi này đã trở thành một sự kiện thường niên quan trọng và danh giá nhất trong khu vực. Năm nay, với chủ đề “Đổi mới vai trò CIO: Nâng cao hiệu quả quản lý và quản trị rủi ro hệ thống”, Hội nghị và Giải thưởng Lãnh đạo CNTT 2016 đã giới thiệu đến doanh nghiệp và tổ chức những giải pháp công nghệ tích hợp hàng đầu thế giới. Dựa trên nguồn thông tin từ đa dạng các bài khảo sát và nghiên cứu trong cộng đồng CNTT tại Việt Nam, Giải thưởng sản phẩm CNTT xuất sắc được tổ chức thường niên nhằm mục đích cập nhật và giới thiệu xu hướng tiêu dùng cũng như những công nghệ tiên tiến nhất đang được ứng dụng. Hơn thế nữa, đây cũng là một cơ hội tuyệt vời để các công ty CNTT tại Việt Nam chia sẻ những thành tựu của mình trong suốt năm vừa qua, đồng thời đẩy mạnh  thương hiệu và tìm kiếm cơ hội phát triển doanh nghiệp.

 Tuyết Nga (UET-News)