Các nhà khoa học ĐH Quốc gia HN ra mắt sản phẩm điều vận xe trực tuyến EMDDI

Các nhà khoa học ĐH Quốc gia HN vừa ra mắt sản phẩm EMDDI – nền tảng công nghệ điều vận xe trực tuyến hoạt động theo một mô hình hoàn toàn mới, cho phép hàng trăm đơn vị vận tải sử dụng để làm những điều tương tự và trở thành chủ thể kinh doanh như Uber/Grab, chỉ với 10 phút thiết lập cấu hình kinh doanh vận tải.

Giới thiệu về sản phẩm EMDDI, ông Đào Kiến Quốc, nguyên Phó Viện trưởng Viện CNTT, nguyên Giám đốc Trung tâm Ứng dụng CNTT, giảng viên CNTT trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội, là một trong những tác giả của phần mềm EMDDI cho biết: “Nhiều người đã biết đến Uber và Grab, đã thấy cách đặt xe và điều vận xe ở đó tuyệt vời như thế nào; phải đến một lúc nào đó, khi công nghệ chín muồi, với sự phổ biến của các thiết bị di động, internet di động, công nghệ định vị và dẫn đường vệ tinh, tính toán với dữ liệu lớn thì ý tưởng này mới có thể xuất hiện và trở thành một hiện thực, mang lại lợi ích cho hàng trăm triệu người.

Nhưng Uber /Grab chỉ làm cho chính họ, để phục vụ cho kinh doanh vận tải hành khách của chính họ, nếu đơn vị taxi nào đăng ký điều xe bằng phần mềm của họ thì phải trả tiền cho họ (bây giờ là 28,5% thi phải). Tóm lại là trở thành người làm thuê còn EMDDI là một nền tảng cho phép hàng trăm đơn vị vận tải sử dụng để làm những điều tương tự và trở thành chủ thể kinh doanh như Uber/Grab, chỉ với 10 phút thiết lập cấu hình kinh doanh vận tải”.

 Ông Đào Kiến Quốc, nguyên Phó Viện trưởng Viện CNTT, nguyên Giám đốc Trung tâm Ứng dụng CNTT, giảng viên CNTT trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội,

Ông Đào Kiến Quốc, nguyên Phó Viện trưởng Viện CNTT, nguyên Giám đốc Trung tâm Ứng dụng CNTT, giảng viên CNTT trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội,

Thưa ông, ở Việt Nam có nhiều đơn vị phần mềm cũng làm những sản phẩm có mục đích như Uber, và họ bán cho các đơn vị vận tải khác. Họ cũng nói là có thể phục vụ nhiều đơn vị vận tải. Vậy có gì khác biệt giữa EMDDI và các phần mềm khác?

Đúng là có những đơn vị đã làm thế, với mỗi đơn vị vận tải họ tạo ra một phiên bản riêng cho đơn vị đó sử dụng, thường gọi là một app. Riêng các công ty taxi ở Hà Nội đã dùng hàng chục app. Bạn có thấy người dân nào cài vào điện thoại di động cả chục app để đi xe taxi của mọi công ty chưa. Phần lớn, họ sẽ chẳng cài app của ai cả ngoài Grab.

Về cơ bản Grab đã chiếm xong hầu hết thị phần điều xe điện tử ở các thành phố lớn. Trong tình hình đó càng làm nhiều app, càng hoạt động riêng rẽ thì thương hiệu càng loãng và thất bại là điều có thể thấy trước.

EMDDI không làm như vậy. EMDDI xây dựng một hệ thống duy nhất có tính chất nền tảng, dùng một app duy nhất EMDDI cho mọi người dân. Phần mềm EMDDI có thể nhận diện chính xác các khu vực địa lý và khi người dân ở địa phương nào, EMDDI sẽ kết nối với các đơn vị vận tải ở đấy, người dân không cần quan tâm đến ai phục vụ mình. Khi chỉ dùng một app duy nhất như thế mà đi ở đâu cũng dùng được, nhà cung cấp dịch vụ vận tải nào cũng dùng được thì người ta sẽ dùng.

Đó là ý tưởng quan trọng nhất: Một App duy nhất cho tất cả.

Với các đơn vị vận tải phải dùng chung một phần mềm, họ có phụ thuộc vào nhau không, chẳng hạn tôi có thể quy định cước phí khác với đơn vị bạn thì sao?

Vấn đề là ở chỗ đó. EMDDI cho phép các đơn vị tự đặt các tham số điều vận của họ, ví dụ: triển khai dịch vụ gì (xe 4 chỗ, xe 7 chỗ, xe ôm…), giá mở cửa bao nhiêu, giá bình thường bao nhiêu, giá đường dài, giá khứ hồi, chế độ khuyến mãi có không, tính giá trước (như Grab) hay tính theo thực tế (như Uber), có tính thời gian chờ hay không, chọn đường theo kiểu đi ngắn nhất hay đi nhanh nhất.

Khi đã là chủ thể của hệ thống rồi, họ có thể quản trị toàn bộ, chẳng hạn định vị trên bản đồ toàn bộ xe, kiểm soát trạng thái từng xe, theo dõi hoạt động của lái xe, kế toán… mà EMDDI không cần phải hỗ trợ. EMDDI chỉ đảm bảo hệ thống máy tính và phần mềm hoạt động thông suốt, an toàn.

Ý tưởng này gọi là: Giao quyền tự chủ cho doanh nghiệp

EMDDI không kinh doanh vận tải. Các doanh nghiệp không phải làm thuê cho EMDDI, chỉ thuê dịch vụ kết nối của EMDDI

Cho đến nay tôi chưa biết có phần mềm nào trên thế giới làm giống như EMDDI hay không nhưng chắc chắn là EMDDI là mô hình mới, đầu tiên có ở Việt Nam (không loại trừ trên toàn thế giới). Nó không chỉ là một phần mềm mà trở thành nền tảng dùng chung cho các doanh nghiệp vận tải.

Đối tượng sử dụng của phần mềm này có rộng rãi không thưa ông?

Không chỉ các công ty taxi, mà là tất cả các đơn vị phục vụ vận tải hành khách hoặc giao hàng. Ví dụ các HTX huy động chạy xe nhàn rỗi (như kiểu của Uber), xe ôm, xe giao hàng.

Nhưng riêng dịch vụ taxi thì EMDDI cung cấp luôn cả khả năng đón khách đặt qua điện thoại hay đón khách ngang đường. Bình thường khi khách gọi điện thoại đặt xe, thì các đài viên phải tìm một taxi nhàn rỗi gần đó, khá mất thời gian.

Đôi khi tìm được thì hãng taxi khác đã lấy mất khách. Nay với EMDDI, chỉ cần chỉ điểm đón trên bản đồ số là EMDDI điều luôn cho xe thích hợp nhất và cung cấp thông tin cho lái xe liên lạc với khách dù khách không có app EMDDI. Cách này không chỉ tiết kiệm thời gian và công sức của đài viên, mà còn hạn chế được hiện tượng lái xe giành khách của nhau và sự thiên vị của đài viên.

Hiện nay đã có khá nhiều công ty sử dụng thành công phần mềm này với hàng nghìn xe tham gia, trong đó có các công ty taxi được chạy theo đề án thí điểm xe chạy theo hợp đồng điện tử của Bộ GTVT vừa qua, và có những công ty không phải là công ty taxi.

Trong cuộc hội thảo về phần mềm này tại ĐHQGHN do ĐHQGHN và EMDDI tổ chức vào ngày 12/6 này, sẽ có 20 đơn vị tới ký thỏa thuận hợp tác.

Còn về thanh toán có thuận lợi không thưa ông?

Ở đây chúng tôi chỉ nói về thanh toán điện tử. Thường thì người dân không thích dùng thẻ tín dụng lắm vì tâm lý lo ngại lộ thông tin và quy trình thanh toán cũng phức tạp. Gần đây thanh toán qua giao thức QR-Pay rất được ưa chuộng vì sự đơn giản của nó.

Phần lớn các ngân hàng đều có cổng thanh toán bằng mã vạch 2 chiều QR-code trên các hệ thống mobile banking. Có nhiều tổ chức thanh toán điện tử như Vnpay đã hỗ trợ phương thức thanh toán qua ví điện tử và QR-code. EMDDI đã ký thỏa thuận với Vnpay hỗ trợ kiểu thanh toán này. Chính EMDDI cũng xây dựng hệ thống ví điện tử và sử dụng giao thức thanh toán QR-pay.

Quá trình thanh toán như sau: Lái xe đưa cho khách xem bản báo cước của EMDDI trên màn hình điện thoại, trên đó có mã vạch 2 chiêu QR-code. Khách chỉ cần bật ứng dụng trên điện thoại của mình (có thể là một phần mềm mobile banking của ngân hàng, một app VnPay, hay chính phần mềm EMDDI ) hướng camera của điện thoại vào màn hình điện thoại của lái xe để đọc QR-code và bấm xác nhận, tiền sẽ được chuyển từ tài khoản hay ví điện tử của khách sang tài khoản của lái xe. Thời gian thanh toán chưa đến 1 phút.

Được biết ông là tác giả của nhiều phần mềm có giá trị, đoạt được nhiều giải thưởng như Giải sáng tạo khoa học công nghệ Việt nam của Bộ KHCN, Giải cúp vàng CNTT của hội Tin học Việt Nam và đã từng đoạt giải nhất Cuộc thi “Nhân tài đất Việt”. Nhóm nghiên cứu có định đưa phần mềm này đi thi dự thi “Nhân tài đất Việt” một lần nữa không thưa ông?

Tôi chỉ là một trong các tác giả nên chưa nói được gì vào lúc này. Việc quyết định có tham dự một cuộc thi hay một giải thưởng nào đó còn phụ thuộc vào cả tập thể. Hơn nữa chúng tôi cũng muốn dành thời gian này cho việc thúc đẩy triển khai.

Việc nộp hồ sơ cuộc thi “Nhân tài đất Việt” có thời hạn là 31/8. Tuy vậy, nếu thuận lợi, chúng tôi có thể tham dự.

Xin trân trọng cám ơn ông!

(Theo Dân trí)