Nhóm ORLab Trường Đại học Công nghệ đạt giải Nhất cuộc thi “Tối ưu sử dụng điện năng” năm 2018 và phần thưởng 12.000 Euro
Nhóm ORLab do TS. Hà Minh Hoàng giảng viên Khoa Công nghệ thông tin hướng dẫn đã đạt giải nhất cuộc thi Tối ưu sử dụng điện năng do drivendata.org tổ chức với giải thưởng 12.000 euro (hơn 300 triệu đồng).
Cuộc thi được tổ chức trên website: http://drivendata.org – một website chuyên tổ chức các cuộc thi online về khoa học dữ liệu. Drivendata.org là một dự án khởi nghiệp thuộc Innovation Lab (Phòng thí nghiệm đổi mới) của trường ĐH Harvard. Mỗi thời điểm, trên website có nhiều cuộc thi diễn ra song song với các chủ đề khác nhau. Các chủ đề thường là các bài toán liên quan đến khoa học dữ liệu có tác động lớn đối với xã hội, cộng đồng và các tổ chức. Cuộc thi nhóm ORLab tham gia được tài trợ bởi hãng Schneider Electric với chủ đề “Tối ưu sử dụng điện năng”.
Kết quả của nhóm ORlab được công bố trên website
Nhóm ORLab với các thành viên là những sinh viên K61 khoa Công nghệ thông tin gồm sinh viên Vũ Duy Mạnh, Vũ Thị Thanh Lâm, Hoàng Văn Phú, Đàm Tiến Thành đã hoàn thành “Phần mềm điều khiển tối ưu hệ thống sạc pin ở các tòa nhà có trang bị hệ thống điện thông minh” và giành được giải Nhất tại cuộc thi. Sản phẩm giúp các tòa nhà có trang bị hệ thống điện thông minh quyết định khi nào nên sạc điện vào pin, khi nào nên xả điện từ pin, khi nào nên mua điện từ lưới nhằm giảm tối đa chi phí mua điện năng. Hình thức thi là tất cả các cá nhân, các nhóm từ khắp nơi trên thế giới giải cùng một bài toán, chạy trên cùng một tập dữ liệu test, và người thắng cuộc là người đưa ra được lời giải có chi phí tiết kiệm nhất.
Chia sẻ về quá trình hoàn thành sản phẩm, TS. Hà Minh Hoàng cho biết cuộc thi đã diễn ra từ đầu tháng 2/2018 nhưng đến đầu tháng 3/2018 nhóm mới thông tin và tham dự cuộc thi. Lúc đấy, chỉ còn một tháng là cuộc thi kết thúc, do thời gian ngắn và gấp rút nên nhiều ý tưởng chưa được triển khai một cách hoàn thiện. Để đạt được giải thưởng này, nhóm cũng có những may mắn nhất định. Cuộc thi được tổ chức trên hệ thống với đa số người tham gia làm về khoa học dữ liệu. Họ quen sử dụng các phương pháp của học máy nhiều hơn là vận trù học. Trong khi cuộc thi mà nhóm tham gia thiên nhiều hơn về vận trù học, tối ưu hóa.
Mặc dù, cuộc thi cũng là một trong những lợi thế của nhóm về vận trù học, nhưng cũng không thể phủ nhận sự nỗ lực của bốn sinh viên trong thời gian vừa qua. Trước khi tham gia cuộc thi này, cả bốn sinh viên đều không hoặc có rất ít kiến thức về vận trù học và chỉ có 1 tháng để hoàn thiên sản phẩm. Kết quả này chỉ là bước khởi đầu, và các em cần tiếp tục rèn luyện, học tập nghiên cứu tốt hơn nữa để đạt được các thành công lớn hơn trong tương lai.
Hiện nay, các thành viên trong nhóm đều đang tham gia nghiên cứu theo các hướng khác nhau để xuất bản các bài báo khoa học, cũng như phát triển các sản phẩm ứng dụng được đặt hàng bởi các doanh nghiệp. Vũ Duy Mạnh và Vũ Thị Thanh Lâm đang giải quyết bài toán điều phối hoạt động giao hàng tối ưu sử dụng máy bay không người lái, Hoàng Văn Phú tham gia vào nhóm nghiên cứu phát triển sản phẩm cho FPT Telecom, Đàm Tiến Thành đang tham gia một cuộc thi về tối ưu hóa khác.
Cuộc thi này có ý nghĩa thực tế giúp cộng đồng hiểu thêm về mô hình hoạt động của hệ thống điện thông minh tại các tòa nhà, từ đó hiểu rõ hơn tầm quan trọng của hệ thống điện thông minh trong việc tiết kiệm năng lượng. Đối với riêng nhóm sinh viên trường Đại học Công nghệ, cuộc thi giúp các em nắm được một số kiến thức cơ bản về vận trù học, cách áp dụng các lý thuyết tối ưu hóa vào việc giải quyết các bài toán trong thực tế.
Tuyết Nga (UET-News)