Trường ĐH Công nghệ tuyển sinh ngành Thiết kế công nghiệp và đồ họa từ năm 2024
Ngày 23/02/2024, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội đã ký Quyết định số 501/QĐ-ĐHQGHN ban hành chương trình và giao nhiệm vụ cho Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức tuyển sinh và đào tạo ngành thiết kế công nghiệp và đồ họa.
Đây là một ngành đào tạo mới, với mã ngành thuộc lĩnh vực Kỹ thuật Công nghệ, khác hẳn với các chương trình thiết kế công nghiệp hiện nay với mã ngành thuộc lĩnh vực Mỹ thuật như danh mục hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo và các trường khác đang đào tạo.
Ngành thiết kế công nghiệp và đồ họa sẽ được Trường Đại học Công nghệ tuyển sinh từ năm 2024, và với nguồn lực được huy động từ tất cả các khoa trong toàn trường.
Chương trình đào tạo cử nhân với thời gian đào tạo là 4 năm. Chương trình đào tạo sẽ có 3 chuyên ngành là: Thiết kế Công nghiệp và Kỹ thuật; Thiết kế Kỹ thuật và Đồ họa; Thiết kế Mỹ thuật và Nội thất, đều là những chuyên ngành hot, có nhu cầu tuyển dụng cao trong các doanh nghiệp lớn ở trong nước, khu vực và quốc tế.
Bên cạnh mục tiêu đào tạo các nhà thiết kế, đồ họa, chương trình đặt ra mục tiêu đào tạo các công trình sư, tổng công trình sư, trên cơ sở các nền tảng kiến thức về STEM và thế mạnh của nhà trường về Toán học, Vật Lý, Công nghệ thông tin, Điện tử – Tự động hóa, Cơ học, Civil Engineering, Trí tuệ nhân tạo, và đương nhiên còn có cả kiến thức về kiến trúc, mỹ thuật và nghệ thuật.
Chương trình được chuẩn bị và thai nghén suốt từ 3 năm nay. Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Đình Đức là người đề xuất, sáng lập và là Tổ trưởng Tổ xây dựng Đề án mở ngành và chương trình đào tạo của ngành này.
Bên cạnh đó, chương trình còn thu hút được sự tham gia tích cực của các giảng viên từ các đơn vị, các trường đại học trong và ngoài Đại học Quốc gia Hà Nội, sự hỗ trợ, hợp tác và đồng hành của các doanh nghiệp và các tập đoàn công nghiệp lớn trong nước và quốc tế.
Ngành mới mở thêm nhiều cơ hội mới cho sự phát triển của nhà trường, không chỉ về tuyển sinh, quy mô, mà còn phát triển đội ngũ, các hướng nghiên cứu và ứng dụng, và đặc biệt là mở rộng quan hệ hợp tác, gắn kết nhà trường với các doanh nghiệp và các tập đoàn công nghiệp, và cũng mở thêm nhiều cơ hội nghề nghiệp cho thí sinh, đồng thời, đáp ứng yêu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.