Giới thiệu về Khoa Cơ học Kỹ thuật và Tự động hóa

Khoa Cơ học Kỹ thuật và Tự động hóa được thành lập theo Quyết định số 1279/QĐ-TCCB ngày 04 tháng 7 năm 2005 của Giám đốc Đại học Quốc Gia Hà Nội

Khoa Cơ học Kỹ thuật và Tự động hóa được thành lập theo Quyết định số 1279/QĐ-TCCB ngày 04 tháng 7 năm 2005 của Giám đốc Đại học Quốc Gia Hà Nội.

Khoa Cơ học kỹ thuật và Tự động hóa là một đơn vị đào tạo thuộc Trường ĐHCN, ĐHQG Hà Nội xây dựng và hoạt động theo mô hình phối thuộc giữa Trường ĐHCN và Viện Cơ học, Viện Công nghệ Vũ trụ, thuộc Viện KH&CN Việt Nam, tiếp đó mô hình được mở  rộng bằng kết quả  hợp tác giữa Trường ĐHCN và IMI Holding, Bộ Công thương, trên cơ sở các thỏa thuận hợp tác được ký kết giữa lãnh đạo các bên liên quan.

Ngay từ khi thành lập, Khoa CHKT&TĐH đã được sự quan tâm ủng hộ của các vị lãnh đạo cấp cao: Giám đốc ĐHQG Hà Nội, Cố GS. VS. Nguyễn Văn Đạo; Chủ tịch Viện KH&CN Việt Nam, GS.VS. Đặng Vũ Minh; Cùng với điều đó là sự sáng tạo, năng động trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện của Hiệu Trưởng Trường ĐHCN, GS.VS. Nguyễn Văn Hiệu, Hiệu Trưởng kế tiếp là GS. Nguyễn Hữu Đức, của Nguyên Viện Trưởng Viện Cơ học, GS.TSKH. Nguyễn Tiến Khiêm. Trong thời gian 5 năm qua, các chủ nhiệm Khoa lần lượt là: GS. TSKH Nguyễn Văn Điệp, GS.TSKH. Nguyễn Tiến Khiêm; GS.TSKH. Nguyễn Đông Anh.

Khoa CHKT&TĐH là một mô hình mới, điển hình của sự hợp tác Trường đại học + Viện nghiên cứu + Tập đoàn công nghiệp trong lĩnh vực đào tạo và NCKH. Đặc điểm nổi bật nhất của mô hình này là: Tổ chức và quản lý theo hình thức vừa tập trung vừa phân tán cả về con người lẫn cơ sở vật chất. Điều này được minh chứng bởi: Lực lượng giảng viên và cán bộ, kể cả cán bộ quản lý được quản lý theo từng đơn vị hành chính khác nhau. Lực lượng này, hiện ở 03 dạng (cơ hữu, thuộc trường; kiêm nhiệm, thuộc viện, ký hợp đồng lao động kiêm nhiệm với trường; thỉnh giảng, thuộc các đơn vị đào tạo và nghiên cứu phù hợp khác, ký hợp đồng mời giảng với trường). Cơ sở vật chất (phòng học, phòng thí nghiệm, phòng thực hành, …) cũng được quản lý bởi các đơn vị hành chính khác nhau.

Trong thời gian qua, Khoa CHKT&TĐH đã không ngừng đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động về mọi mặt với mục tiêu trở thành một đơn vị đào tạo, nghiên cứu và triển khai khoa học công nghệ chất lượng cao, tạo ra những sản phẩm tinh hoa đáp ứng cho nhu cầu ngày càng cao của đất nước. Năm 2005, Khoa CHKT&TĐH vinh dự được nhận Bằng khen của Giám đốc ĐHQGHN vì đã có nhiều thành tích trong quá trình 5 năm xây dựng và phát triển (2005-2010).

Đến nay, qua gần 10  năm xây dựng và phát triển, tuy các thành quả đạt được của Khoa CHKT&TĐH vẫn còn  khiêm tốn nhưng bước đầu đã tạo ra được chỗ đứng và niềm tin đối với Nhà trường và xã hội. Con đường phía trước còn rất dài, đầy gian nan thử thách, đầy trách nhiệm, đòi hỏi các cán bộ của Khoa CHKT&TĐH phải học tập và sáng tạo, phải phấn đấu nhiều hơn nữa cho sự phát triển của Khoa, góp phần vào sự ổn định và phát triển chung của Nhà trường.

Cơ cấu tổ chức của Khoa hiện nay gồm có:
Ban chủ nhiệm Khoa gồm:

  • Chủ nhiệm Khoa: Phụ trách chung, công tác tổ chức – cán bộ và kế hoạch – tài chính, công tác hợp tác quốc tế; giải quyết các vấn đề có tính liên ngành quan hệ tới một số lĩnh vực do các Phó Chủ nhiệm Khoa phụ trách; giải quyết một số vấn đề quan trọng trong từng lĩnh vực.
  • Phó chủ nhiệm Khoa thường trực: Phụ trách những vấn đề về hành chính, công tác tổ chức cán bộ; khoa học công nghệ; xây dựng và quản lý trang thiết bị thuộc các phòng thí nghiệm, xưởng thực hành; cơ sở vật chất, tài chính; phụ trách công tác theo dõi đoàn thể.
  • Phó chủ nhiệm Khoa phụ trách công tác Đào tạo đại học; công tác sinh viên; công tác hợp tác quốc tế.
  • Phó chủ nhiệm Khoa phụ trách công tác đào tạo sau đại học.
04 bộ môn:
  • Bộ môn Thủy Khí Công nghiệp và Môi trường;
  • Bộ môn Công nghệ Biển và Môi trường;
  • Bộ môn Công nghệ Hàng không vũ trụ;
  • Bộ môn Công nghệ Cơ điện tử.
Các phòng thí nghiệm:
  • Phòng thí nghiệm Công nghệ Cơ điện tử và Thủy tin học (xây dựng từ ngân sách của trường ĐHCN)
  • Ngoài ra, sinh viên của Khoa được sử dụng các Phòng thí nghiệm của Viện Cơ học (Cơ học Kỹ thuật biển, Thủy khí công nghiệp của Viện Cơ học) và các phòng thí nghiệm khác của Viện Công nghệ vũ trụ, Viện máy và Dụng cụ công nghiệp (IMI).
Quy mô cán bộ:
  • Về giảng viên, Khoa hiện có là 34 người (bao gồm cả giảng viên cơ hữu và kiêm nhiệm), trong đó:
  • 05 giảng viên cơ hữu có trình độ tiến sĩ
  • 06 giảng viên hợp đồng lao động có trình độ thạc sĩ
  • 01 Nghiên cứu viên có trình độ thạc sĩ
  • 21 giảng viên kiêm nhiệm là các GS., PGS., TS., công tác tại Viện Cơ học, Viện Công nghệ Vũ trụ (trong đó có 14 giảng viên kiêm nhiệm có hưởng lương; 07 Giảng viên kiêm nhiệm hưởng thù lao theo nhiệm vụ).
  • 01 giảng viên là người nước ngoài có trình độ tiến sĩ (do Chính phủ Hàn Quốc trả lương)
Ngoài những giảng viên cơ hữu và kiêm nhiệm, Khoa còn có khoảng 15 người là giảng viên mời có học vị từ Thạc sĩ trở lên, chủ yếu tham gia giảng dạy một số môn học chuyên ngành và hướng dẫn sinh viên thực hiện đồ án/khóa luận tốt nghiệp.
  • Về cán bộ hành chính, Khoa hiện có:  02 cán bộ làm chuyên viên văn phòng Khoa, trong đó:
  • 01 cán bộ hợp đồng lao động, do Trường ĐHCN trả lương, làm việc tại Trường ĐHCN
  • 01 cán bộ hợp đồng làm việc, do Viện Cơ học trả lương, làm việc tại Viện Cơ học, phụ trách công tác quản lý đào tạo thạc sĩ Cơ kỹ thuật.
Cơ sở vật chất
Khoa CHKT&TĐH hiện đang có 02 cơ sở:
  • Cở sở 1, nằm trong khuôn viên chung của Trường ĐH Công nghệ (144 Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội): tập trung hầu hết các hoạt động chính của Khoa bao gồm các hoạt động tổ chức hành chính, đào tạo đại học, đào tạo sau đại học, nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế…;
  • Cơ sở 2, nằm trong khuôn viên Viện Cơ học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, phục vụ cho hoạt động đào tạo năm cuối bậc đào tạo đại học ngành Cơ học kỹ thuật và hoạt động đào tạo sau đại học ngành Cơ học kỹ thuật.
Các chương trình đào tạo đang triển khai
  • Đào tạo đại học 02 ngành:
  • Ngành Cơ học kỹ thuật (CHKT), cấp bằng kỹ sư, thời gian đào tạo 4,5 năm.
  • Ngành Công nghệ Kỹ thuật Cơ điện tử (CNKTCĐT), cấp bằng cử nhân, thời gian đào tạo 4 năm.
  • Đào tạo Thạc sỹ 02 chuyên ngành
  • Chuyên ngành Cơ học kĩ thuật – Mã số:  62 52 02 01
  • Chuyên ngành Công nghệ Kỹ thuật Cơ điện tử – Mã số:  60 52 01 14
  • Đào tạo Tiến sĩ Cơ kỹ thuật – Mã số :  62 52 01 01

 Hoạt động nghiên cứu khoa học

Các hướng nghiên cứu gồm có: Cơ điện tử, Cơ học sông, biển, khí quyển và môi trường; Cơ học công trình; Chẩn đoán kỹ thuật công trình; Cơ học thủy khí công nghiệp (khai thác và vận chuyển dầu khí, Công nghệ xử lý môi trường nước, không khí, Công nghệ dự báo lũ lụt giảm nhẹ thiên tai, Công nghệ an toàn hạt nhân trong nhà máy điện nguyên tử); Hàng không vũ trụ; Tự động hóa và Robotics; Cơ học vật liệu và kết cấu composite.

Với đặc thù là một khoa phối thuộc, ngay từ khi thành lập cán bộ, viên chức khoa CHKT&TĐH đã có sự phối hợp chặt chẽ với các viện nghiên cứu đối tác trong triển khai thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu khoa học trọng điểm cấp nhà nước thuộc KC.01, KC.03, KC.05, KC.09; các cán bộ của Khoa chủ trì nhiều đề tài NCCB do quỹ phát triển khoa học công nghệ quốc gia (NAFOSTED) tài trợ; các dự án thử nghiệm.

Sứ mệnh
  • Đào tạo và bồi dưỡng nguồn nhân lực các ngành Cơ học kỹ thuật cũng như ngành Công nghệ kỹ thuật Cơ điện tử chất lượng cao ở trình độ đại học và sau đại học, góp phần phát triển nguồn nhân lực phục vụ cho công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong thời kỳ hội nhập quốc tế.
  • Nghiên cứu, sáng tạo và chuyển giao cho xã hội các kết quả nghiên cứu, ứng dụng khoa học – công nghệ tiên tiến trong các lĩnh vực Cơ học kỹ thuật và Công nghệ Cơ điện tử.
Mục tiêu
  • Đào tạo theo chương trình tiên tiến để nhanh chóng ngang bằng trình độ khu vực và tiệm cận với giáo dục đại học tinh hoa thế giới;
  • Chú trọng nâng cao trình độ nghiên cứu khoa học và năng lực sáng tạo để tiếp thu và vận dụng các thành tựu khoa học và công nghệ, làm chủ công nghệ tiên tiến tiến đến đủ sức giải quyết các nhiệm vụ khoa học và công nghệ ở trình độ quốc tế.
  • Sinh viên – Học viên được đào tạo, rèn luyện trong môi trường giáo dục tiên tiến, được chuẩn bị kỹ năng nghề nghiệp để thích ứng với sự phát triển kinh tế, xã hội trong thời kỳ hội nhập quốc tế.
Định hướng phát triển
  • Nâng cao chất lượng và hiệu quả của công tác đào tạo. Tạo được môi trường đào tạo tốt, đào tạo ra được những con người có chất lượng, góp phần quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực trình độ cao đối với sự phát triển của đất nước trong các lĩnh vực Cơ học kỹ thuật và Công nghệ Cơ điện tử.
  • Nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác NCKH. Sáng tạo và chuyển giao những kết quả, sản phẩm KHCN tiên tiến.
  • Phát triển đội ngũ cán bộ, đặc biệt là về chất lượng, có phẩm chất đạo đức tốt, năng lực, kiến thức, kĩ năng đạt trình độ khu vực và từng bước tiếp cận trình độ quốc tế.
  • Không ngừng hiện đại hóa, chuyên nghiệp hóa hoạt động quản lý theo hướng quản trị đại học, xây dựng văn hóa chất lượng.
  • Hợp tác toàn diện với các cơ sở nghiên cứu khoa học, các tập đoàn công nghệ cao có uy tín trong nước và quốc tế trong việc triển khai các hoạt động đào tạo và nghiên cứu KH-CN trong các lĩnh vực nghiên cứu của Khoa.